Bất Động Sản Hà Tĩnh 2025: Cơ Hội Đầu Tư Từ Những Dự Án Trọng Điểm
21/03/2025
Thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh những tháng đầu năm 2025 ghi nhận những “cơn sốt” cục bộ khi lượng giao dịch gia tăng và giá đất cũng tăng khá nhanh. Theo số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh, tính đến giữa tháng 3/2025, lượng hồ sơ giao dịch bất động sản đã tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy yếu tố nào đang thúc đẩy đà phát triển của thị trường bất động sản địa phương này?
Trước thông tin xung quanh việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, thị trường bất động sản tại Hà Tĩnh đang chứng kiến “cơn sốt” cục bộ, nhất là những vùng trung tâm thành phố, thị trấn, thị tứ, những khu vực mới sáp nhập địa giới hành chính hoặc đang được đưa vào diện chuẩn bị sắp xếp lại. Không ít người đổ xô đi gom đất tại các khu vực dự kiến sẽ sáp nhập về trung tâm trong thời gian tới, khiến giá đất tại một số nơi tăng từ 10 - 20% chỉ trong thời gian ngắn.
Tại TP Hà Tĩnh, những vùng trung tâm như: khu đô thị Sông Đà (phường Trần Phú), khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh (khu đô thị HUD) và một số khu quy hoạch thuộc các phường: Hà Huy Tập, Bắc Hà, Thạch Trung… đã ghi nhận mức tăng giá trên 10% so với trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, giá đất tại các vùng Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Hưng đã lên từ 2,4 đến 2,8 tỷ đồng/lô - gần “chạm đỉnh” hồi năm 2022.
Khu quy hoạch dân cư Bàu Rạ cũng là điểm nóng của thị trường. Nếu như thời điểm đấu giá hồi tháng 6/2024, các lô đất trúng giá từ 3,4 - 6,9 tỷ đồng/lô thì nay đã tăng 15 - 20%/lô.
Các khu vực vừa sáp nhập vào TP Hà Tĩnh như Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Hải, Hộ Độ cũng ghi nhận giao dịch sôi động và giá đất tăng mạnh. Đặc biệt, từ khi xã Tân Lâm Hương sáp nhập vào TP Hà Tĩnh, giá đất khu quy hoạch tăng nhanh, từ 2,3 tỷ đồng/lô trước Tết lên 2,8 tỷ đồng/lô.
Tại huyện Cẩm Xuyên, đất tại thị trấn Cẩm Xuyên, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng… đều tăng giá mạnh. Đất quy hoạch tại tổ dân phố 8, thị trấn Cẩm Xuyên trước Tết có giá 2,2 tỷ đồng/lô, nay đã lên 2,8 – 2,9 tỷ đồng/lô.
Tại huyện Nghi Xuân, thông tin về khả năng sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh (tin đồn sáp nhập Nghệ An - Hà Tĩnh) cũng khiến thị trường bất động sản “nóng lên”. Tại khu đô thị Xuân An, đất mặt đường lớn trước Tết có giá 6 tỷ đồng/lô, nay đã tăng lên 6,3 - 6,5 tỷ đồng/lô, trong khi đất liền kề bên trong khu đô thị tăng từ 2,2 tỷ lên 2,7 - 2,8 tỷ đồng/lô.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh đang duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này giúp các nhà đầu tư mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào bất động sản. Ngoài ra, dòng tiền từ kiều hối và nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cũng góp phần làm tăng nhu cầu mua đất.
Dù thị trường bất động sản Hà Tĩnh đang rất sôi động, nhưng các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những cơn sốt đất ảo. Việc dựa vào tin đồn để đẩy giá đất lên cao có thể dẫn đến “bong bóng” bất động sản, khiến nhiều nhà đầu tư chịu thiệt hại. Người dân cần nghiên cứu kỹ thông tin quy hoạch, tình trạng pháp lý và tiềm năng phát triển của khu vực trước khi xuống tiền đầu tư.
Tags: